Cây cỏ xước, còn được gọi là ngưu tất nam, cây bách bội, hoài ngưu tất hay cây ngưu tịch, thuộc họ rau dền. Loài cây này sống lâu năm, mọc hoang và sinh trưởng mạnh mẽ trong môi trường tự nhiên khắp nước ta. Cây cao trung bình từ 1 – 1,5m, phân thành nhiều nhánh nhỏ. Lá mọc so le, đối nhau, phiến lá dày và cứng. Hoa cỏ xước thường mọc ra từ kẽ lá thành từng cụm nhỏ. Quả hình trứng hoặc bầu dục.
Cây cỏ xước mọc hoang dã.
Tên khoa học của cây cỏ xước là Achyranthes bidentata Blume, thuộc họ Giền (Amaranthaceae).
Công Dụng Của Cây Cỏ Xước Theo Đông Y Và Y Học Hiện Đại
Theo Đông y, cây cỏ xước có vị chua, đắng nhẹ, tính bình, lạnh, không độc, vào hai kinh can và thận. Cây cỏ xước được sử dụng làm thuốc an thần, thông tiểu, giải nhiệt, tiêu viêm, giảm đau, chữa viêm khớp. Ngoài ra, nó còn có tác dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, viêm gan, viêm thận, xơ vữa động mạch, rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh.
Trong dân gian, cây cỏ xước tươi được dùng để hoạt huyết tiêu viêm. Khi dùng khô hoặc rang vàng, cỏ xước có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, mạnh gân cơ, trừ thấp qua đường tiểu tiện, do đó cỏ xước có tác dụng chữa sỏi thận, đau lưng do sỏi thận.
Theo y học hiện đại, cây cỏ xước có tác dụng hỗ trợ tăng cường khả năng tổng hợp protein trong cơ thể, có tính lợi tiểu, giúp bổ bổ kích thích cho thận. Ngoài ra còn có thể bổ gan, giảm cholesterol trong máu, giảm đau, kháng viêm, giảm sưng, điều trị xương khớp.
Cây cỏ xước rất giàu các chất dinh dưỡng như: Vitamin C, muối kali, nước, chất xơ, amino axit, arginine, glucozơ, polysaccharide, protid, sắt, đồng, carotene, saponin triterpenoid, alkaloid, acid oleanolic. Bộ phận dùng là toàn cây, rễ có công hiệu mạnh nhất.
Một Số Bài Thuốc Từ Cây Cỏ Xước
Dưới đây là một số bài thuốc từ cây cỏ xước được sử dụng trong dân gian:
Bài Thuốc Chữa Viêm Tiết Niệu, Đau Lưng Do Thấp Nhiệt
Cỏ xước tươi 50g, râu ngô 30g, bông mã đề 1 nắm (50g), rễ cỏ tranh 30g. Sắc uống trong ngày, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Bài Thuốc Chữa Đau Xương Khớp, Sưng Nóng Các Khớp
Cỏ xước tươi 50g, cây xấu hổ 50g, vỏ cây gạo 30g, lá lốt 30g, quả ké 30g, đỗ đen 50g. Sắc uống trong ngày, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. (Không dùng cho bệnh nhân âm hư).
Bài Thuốc Bổ Thận, Trị Tiểu Đêm, Đau Lưng Do Thận Dương Hư
Cỏ xước 30g, thục địa 16g, bạch truật 13g, bạch thược 12g, bạch linh 10g, phụ tử chế 8g, sinh khương 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Các Bài Thuốc Khác
Cây cỏ xước còn được sử dụng trong các bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm, chóng mặt, hoa mắt, rối loạn tiền đình, tăng huyết áp, mất ngủ, đau dây thần kinh, chuột rút, co giật, cảm sốt, viêm mũi dị ứng, viêm bạch hầu, quai bị, phong thấp, co giật, teo cơ, xơ vữa mạch máu, viêm cầu thận phù thũng, kinh nguyệt không đều, viêm gan, viêm thận, mờ máu và huyết áp cao. Chi tiết về liều lượng và cách dùng, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ.
Lưu Ý Khi Sử Dụng Cây Cỏ Xước
Khi đang dùng cây cỏ xước hoặc bất kỳ loại thuốc cổ truyền nào, nên cách nhau 2 giờ với bất kỳ loại thuốc tây hoặc thực phẩm bổ sung sức khỏe nào. Trong một số trường hợp, người dùng có thể bị dị ứng với cây cỏ xước với các triệu chứng như: Người nổi mẩn ngứa, tức ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn và cơ thể khó chịu. Nếu gặp phải các triệu chứng này, cần ngay lập tức ngưng sử dụng và đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị. Tốt nhất khi sử dụng bài thuốc có cây cỏ xước cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa phù hợp với từng thể bệnh, mức bệnh và cơ địa của mỗi người, không thể sử dụng tùy tiện.
(Theo báo SK&ĐS)